-Wa- Japan Web Magazine

Thịt nướng

Đi ăn Yakiniku ở Nhật nên gọi món gì?

“Bạn muốn ăn thử Yakiniku nhưng không biết nên gọi món nào?”
“Bạn thường đi ăn Yakiniku và muốn thử món gì khác ngoài thịt Karubi hay thịt Harami?”

Vậy thì hãy tham khảo bài viết này để biết người Nhật thường gọi gì khi đi ăn Yakiniku nhé.

Đi ăn Yakiniku nên gọi món gì?

Dành cho bạn thích thưởng thức các loại thịt tiêu chuẩn

Nói đến Yakiniku tức là nói đến 3 loại thịt tiêu chuẩn: Karubi, Harami và Rōsu.

  • Karubi là thịt phần sườn, mỡ nhiều.
  • Harami là thịt phần cơ hoành, mềm và có lượng mỡ vừa phải.
  • Rōsu là thịt nạc, ít mỡ.

Nếu lần đầu đi ăn thịt nướng ở Nhật và không biết nên gọi món nào, bạn có thể thử các loại thịt tiêu chuẩn kể trên.

Đặc biệt, dù là cùng một bộ phận nhưng thịt nướng ở Nhật sẽ được chia nhỏ thành nhiều loại nữa.
Trong menu ở các quán Yakiniku, bạn sẽ thấy có rất nhiều loại Karubi, ví dụ như Ōtoro Karubi (thịt sườn nhiều mỡ) hay Nakaochi Karubi (thịt giữa 2 đốt xương sườn).
Tương tự, thịt Harami và thịt Rōsu cũng có rất nhiều loại.

Lưu ý rằng khi gọi thịt nướng ở quán Yakiniku, ngoài loại thịt muốn gọi thì bạn cần nói rõ chọn loại xốt ướp nào nữa.
Ở Nhật, có 3 loại xốt ướp thịt nướng cơ bản là xốt Tare (Tare), xốt muối (Shio-dare) và xốt Miso (Miso-dare).

  • Xốt Tare: có vị mặn ngọt, hương vị đậm đà.
  • Xốt muối: giúp cảm nhận rõ ràng vị nguyên sơ của thịt.
  • Xốt Miso: có vị ngọt và đậm đà, hoàn hảo để thưởng thức cùng bia.

Dành cho bạn muốn ăn thử các loại lòng

Sau khi đi ăn Yakiniku vài lần, ngoài gọi các loại thịt tiêu chuẩn là Karubi, Harami, Rosu, có thể bạn sẽ muốn thoát khỏi “vùng an toàn” để thử nhiều món nướng lạ hơn.
Trong trường hợp đó, nhất định hãy thử các loại lòng nướng nhé.

Các loại lòng thường được phục vụ tại các nhà hàng Yakiniku bao gồm lòng non (Horumon), gan (Rebā), tim (Hatsu) và bao tử (Mino).
Trong khi gan có vị bùi bùi béo béo thì tim và bao tử nhai rất giòn, mỗi loại đều mang hương vị rất đặc trưng.
Tuy nhiên, có thể nói lòng non (Horumon) là món được yêu thích nhất.

Lòng non thường được ướp cùng xốt Miso và hoàn toàn không có mùi tanh.
Lòng non ban đầu dẹp nhưng sau khi nướng thì sẽ phình lên, lúc cắn vào thì lớp mỡ sẽ tan ra, béo ngậy.
Lòng non có chứa rất nhiều collagen nên người Nhật thường bảo nhau rằng ăn nhiều lòng non sẽ giúp bạn có làn da đẹp.
Nếu bạn là phụ nữ, nhất định hãy thử gọi lòng non nướng khi đi ăn Yakiniku vào lần tới nhé.

Dành cho bạn muốn ăn thử lưỡi bò

Khi người Nhật đến nhà hàng Yakiniku, họ thường gọi món lưỡi bò (Gyūtan) trước tiên.
Lí do là vì lưỡi bò có vị rất thanh nên nếu ăn sau khi đã ăn các loại thịt ướp xốt đậm đà, bạn sẽ không thể cảm nhận được vị ngon vốn có của lưỡi bò.

Lưỡi bò thú vị ở chỗ dù rất mềm nhưng vẫn có độ giòn, khi cắn vào thì nước thịt sẽ ứa ra, vị ngọt nhẹ nhàng.
Cách ăn lưỡi bò ngon là hãy nướng sơ rồi chấm cùng nước xốt chanh và thưởng thức.

Chóp lưỡi (phần màu nâu), thân lưỡi (phần màu vàng), cuống lưỡi (phần màu đỏ)

Ở các nhà hàng Yakiniku cao cấp hay những quán thịt nướng chất lượng, thực đơn lưỡi bò rất đa dạng.

  • Tan (タン): thân lưỡi (phần màu vàng), thường cắt lát mỏng, giá tầm trung.
  • Tokujō-tan (特上タン): cuống lưỡi (phần màu đỏ), thường cắt lát dày và đắt hơn lưỡi bò thường.
  • Shimofuri Jō-tan (霜降り上タン): cuống lưỡi phần nhiều mỡ, rất mềm và ngon, giá cũng rất đắt.
  • Jukusei Tan (熟成タン): lưỡi bò đã được ủ bằng phương pháp đặc biệt trong nhiều ngày để tăng vị ngọt.

Mẹo và lưu ý khi đi ăn Yakiniku ở Nhật

Khách hàng tự nướng

Ở Nhật Bản, dù đó là nhà hàng Yakiniku cao cấp hay quán Yakiniku bình dân thì khách hàng cũng sẽ tự nướng.
Đồ gắp thịt, kéo, tạp dề giấy (để tránh văng khi nướng thịt)… thường được đặt sẵn trên bàn.
Để bảo đảm an toàn, bạn nhớ hãy dùng riêng đồ gắp thịt sống và đồ gắp thịt đã nướng chín nhé.

Thứ tự nướng thịt

Để sử dụng vỉ nướng hiệu quả, hãy nướng các món ướp xốt nhạt trước rồi mới đến các món ướp xốt Tare.
Vì nếu nướng thịt ướp xốt Tare trước thì Tare sẽ dính lại khá nhiều trên vỉ, làm ảnh hưởng tới hương vị của những món nướng sau đó và bạn lại phải nhờ đổi vỉ nhiều lần nữa.

Lưỡi bò và lưỡi heo có vị nhạt nên tốt nhất là bạn hãy nướng trước. Nếu bạn nướng các món lưỡi trên vỉ nướng đã dính nhiều nước xốt, bạn sẽ không thể cảm nhận được hương vị tinh tế của lưỡi nữa.

Những món thịt không nên nướng lâu

Đối với các món lưỡi hoặc thịt Rōsu (thịt nạc), bạn không nên nướng lâu vì thịt sẽ bị dai.
Lưỡi bò cắt lát mỏng tốt nhất là chỉ nên nướng khoảng 30 giây mỗi mặt.

Có thể nhờ nhân viên đổi vỉ nướng

Vỉ nướng thịt trong tiếng Nhật gọi là “Ami” (網).
Nếu vỉ nướng bị khét nhiều bạn có thể yêu cầu nhân viên thay vỉ bằng cách nói:
「網交換お願いします。」(Ami kōkan onegaishimasu.)

Việc thay vỉ nướng thường miễn phí, nhưng tùy nhà hàng mà có thể mất phí khoảng 100 yên/lần.

Làm thế nào khi vỉ nướng bị cháy?

Khi nướng các món nhiều mỡ như thịt Karubi hoặc các món lòng, vỉ nướng rất dễ bị cháy.
Trong trường hợp đó, trước tiên bạn hãy thử dời thịt ra ngoài vành vỉ nướng, nếu lửa vẫn không tắt thì bạn hãy nhờ nhân viên mang đá đến để dập lửa nhé.

Lời kết

Không chỉ có vị ngon khó cưỡng, Yakiniku còn được yêu thích bởi menu vô cùng đa dạng.
Từng bộ phận của heo, bò, gà đều được người Nhật tận dụng tối đa để tạo ra những món Yakiniku tuyệt hảo.

Với bạn lần đầu ăn thử, hãy gọi các món thịt tiêu chuẩn như Karubi, Harami và Rōsu trước để nắm rõ hương vị của Yakiniku.
Khi có dịp đi ăn Yakiniku thường xuyên hơn, hãy gọi thử những món như lòng non, gan, lưỡi để cảm nhận trọn vẹn sức hấp dẫn của món ăn này nhé.

Comment

There are no comment yet.

RELATED

PAGE TOP