-Wa- Japan Web Magazine

Chùa

7 điểm khác biệt giữa chùa và đền thần ở Nhật Bản

“Sự khác biệt giữa chùa và đền thần của Nhật Bản là gì?”

Nếu bạn đang đọc bài viết này, chắc hẳn bạn cũng đang có thắc mắc như vậy.
Chùa và đền thần tuy có một số điểm giống nhau nhưng thực chất là những cơ sở tín ngưỡng với vai trò khác nhau.

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu sự khác biệt giữa chùa và đền thần của Nhật Bản từ 7 khía cạnh. Đọc qua chắc chắn bạn sẽ hiểu được sự khác biệt giữa chùa và đền thần của Nhật Bản, và sẽ có thể trải nghiệm thú vị hơn rất nhiều khi có dịp tham quan cả hai. Nhất định hãy đọc đến cuối bài nhé.

7 điểm khác biệt giữa chùa và đền thần ở Nhật Bản

Có 7 điểm khác biệt giữa chùa và đền thần ở Nhật Bản.

Tôn giáo

Cả chùa và đền thần ở Nhật Bản đều là cơ sở tôn giáo, nhưng điểm khác biệt lớn nhất là chúng tín ngưỡng các tôn giáo khác nhau.

Chùa

Tôn giáo được chùa tín ngưỡng là “Phật giáo” (Bukkyō).

Phật giáo là tôn giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng khi giáo lý của nó lan truyền đến Nhật Bản thì một giáo phái mới đã được thành lập bởi một số nhà sư, và nó lan rộng khắp Nhật Bản với tư cách là Phật giáo độc đáo của riêng Nhật Bản.

Chùa Nhật Bản là cơ sở tôn giáo tín ngưỡng Phật giáo của Nhật Bản.

Đền thần

Tôn giáo được đền thần tín ngưỡng là “Thần đạo” (Shintō) – tôn giáo của riêng Nhật Bản.

Shintō là tôn giáo bản địa của Nhật Bản, được tạo ra bởi người Nhật cổ đại. Nó dựa trên niềm tin của Nhật Bản cổ xưa rằng thiên nhiên có khả năng ban phước lành cho con người.
Lối suy nghĩ này đã có từ trước khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản. Người ta nói rằng khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, nó được đặt tên là “Thần đạo” để phân biệt với Phật giáo.

Đền thần Nhật Bản là cơ sở tôn giáo tin ngưỡng Thần đạo, tôn giáo của riêng Nhật Bản.

Đối tượng tín ngưỡng

Chùa tín ngưỡng Phật giáo, đền thần tín ngưỡng Thần đạo, nên lẽ tất nhiên đối tượng tín ngưỡng của chùa và đền thần cũng khác nhau.

Chùa

Đối tượng tín ngưỡng của Phật giáo là “Đức Phật” (Hotokesama). Vì vậy, ở chùa thờ “Đức Phật”.

“Đức Phật” trong Phật giáo đề cập đến:

  • Đấng giác ngộ của từng tông phái Phật giáo
  • Người đã khuất (trong Phật giáo, người ta tin rằng khi một người chết, người đó sẽ trở thành một vị Phật)

Đền thần

Đối tượng tín ngưỡng của Thần đạo là “Thần linh” (Kamisama). Vì vậy, ở đền thần thờ “Thần linh”.

“Thần linh” trong Thần đạo đề cập đến:

  • Các vị thần ngự trong tự nhiên như núi, rừng, biển và gió
    Những vị thần khác nhau này được gọi chung là “Yaoyorozu no Kami” (tạm dịch: “vô số vị thần”)
  • Thành viên đã khuất của Hoàng gia Nhật Bản
    Do tổ tiên của Hoàng gia Nhật Bản được cho là Amaterasu Ōmikami – vị thần tối cao trong Thần đạo, nên thành viên của Hoàng gia được xem là gần gũi với các vị thần.
  • Người có công đã khuất
    Trong Thần đạo, những con người vĩ đại có thành tích lớn lao rất được tôn kính và được cho là sẽ trở thành thần thánh sau khi chết.

Cách gọi

Có một sự khác biệt rõ ràng trong cách gọi giữa chùa và đền thần của Nhật Bản.

Chùa

Chùa trong tiếng Nhật được gọi là “Dera” hay “Ji” (đều viết là “寺”).

Ngoài ra, chùa còn được gọi là “In” (院), “Taishi” (大使), Dō (堂) hay Fudōson (不動尊).

Ví dụ về cách gọi của một số ngôi chùa:

  • Sensō-ji (浅草寺)
  • Hasedera (長谷寺)
  • Kōtoku-in (高徳院)
  • Kawasaki Daishi (川崎大師)
  • Sanjūsangen- (三十三間堂)
  • Takahatafudōson (高幡不動尊)

Đền thần

Đền thần thường được gọi là “Jinja” (神社).

Ngoài ra, đền thần còn được gọi là Jingū (神宮), Gū (宮), Daijingū (大神宮), Taisha (大社) hay Yashiro (社).

Ví dụ về cách gọi của một số đền thần:

  • Itsukushima Jinja (厳島神社)
  • Meiji Jingū (明治神宮)
  • Tsuruoka Hachiman (鶴岡八幡宮)
  • Tōkyō Daijingū (東京大神宮)
  • Izumo Taisha (出雲大社)
  • Sainokami no Yashiro (幸神社)

Kiến trúc

Các ngôi chùa và đền thần của Nhật Bản cũng khác nhau về kiến trúc.

Có 2 điểm khác biệt chính về kiến trúc, đó là “lối vào” và “điện thờ đối tượng tín ngưỡng”.Chỉ cần nhìn vào 2 điểm này, bạn có thể thấy rõ sự khác biệt giữa một ngôi chùa và một đền thần.

Lối vào

Lối vào của chùa là cổng Sanmon (山門).

Thông thường, cổng Sanmon có cấu trúc gồm hai tầng với một mái nhà.

Cổng Sanmon ở một ngôi chùa

Mặt khác, lối vào của đền thần là cổng Torii (鳥居). Nó thường được sơn màu đỏ và có cấu trúc đơn giản hơn so với cổng Sanmon.

Cổng Torii ở một đền thần

Điện thờ đối tượng tín ngưỡng

Tại các ngôi chùa, Đức Phật được thờ trong một tòa nhà gọi là Hondō (chính điện). Bên trong Hondō thường được trang trí bằng những chiếc lồng đèn hay những chiếc rèm treo lộng lẫy tạo thành hình thù như một chiếc dù.

Chính điện ở một ngôi chùa

Mặt khác, tại các đền thần, các vị thần được thờ trong một tòa nhà gọi là Honden (chính điện). Honden thường được treo một sợi dây thừng (gọi là “Shimenawa”) nhằm ngăn cách khu vực linh thiêng với thế giới thực.

Chính điện ở một đền thần

Cách bái lạy

Cách bái lạy cũng khác nhau giữa chùa và đền thần.

Chùa

Trước cổng Sanmon, chắp tay vái lạy một lần rồi hẵng bước vào.
Lưu ý là không dẫm lên bậu cửa.

Trước khi tiến vào bên trong chùa, hãy thực hiện nghi lễ thanh tẩy tại khu vực Chōzuya (một mái che nhỏ với một bồn nước). Cầm gáo bằng tay phải rồi múc nước vào gáo. Dùng nước trong gáo rửa tuần tự từ tay trái, tay phải, miệng. Sau cùng, tráng sơ gáo rồi đặt lại như ban đầu.

Nếu chùa có đặt lư hương, hãy thắp nhang rồi dùng tay vẫy khói về phía mình.

Khi đến khu vực bái lạy, hãy cho một ít tiền vào thùng, chắp tay vái lạy một lần rồi ước nguyện.
Cúi đầu lạy một lần nữa và kết thúc việc bái lạy.
*Nếu thấy người khác đang xếp hàng để bái lạy, hãy đứng vào cuối hàng và chờ đến lượt.
*Tiền cúng dường bao nhiêu cũng được. Người Nhật thường cho đồng 5 yên.

Đền thần

Trước cổng Torii, cúi đầu lạy một lần rồi hẵng bước vào.
Sau khi qua cổng, hãy đi dọc theo mép đường.

Thực hiện nghi lễ thanh tẩy tại khu vực Chōzuya (một mái che nhỏ với một bồn nước). Cầm gáo bằng tay phải rồi múc nước vào gáo. Dùng nước trong gáo rửa tuần tự từ tay trái, tay phải, miệng. Sau cùng, tráng sơ gáo rồi đặt lại như ban đầu.

Khi đến khu vực bái lạy, hãy cho một ít tiền vào thùng, cúi đầu thật sâu 2 lần, vỗ tay trước ngực 2 lần rồi ước nguyện.
Cúi đầu lạy một lần nữa và kết thúc việc bái lạy.
*Nếu thấy người khác đang xếp hàng để bái lạy, hãy đứng vào cuối hàng và chờ đến lượt.
*Tiền cúng dường bao nhiêu cũng được. Người Nhật thường cho đồng 5 yên.

Lễ cưới

Lễ cưới cũng được tổ chức tại chùa và đền thần ở Nhật Bản. Lễ cưới ở bên nào cũng đều độc đáo cả, nhưng nội dung của buổi lễ sẽ khác nhau.

Chùa

Lễ cưới được tổ chức tại chùa được gọi là “Butsuzenshiki” (nghĩa là: “lễ trước bàn thờ Phật”).

Butsuzenshiki dựa trên lời dạy của Phật giáo rằng “một khi cưới nhau, cả 2 sẽ ở bên nhau ngay cả sau khi đã chết”.

Ở ngôi chùa mà tổ tiên gắn bó hoặc trước bàn thờ Phật tại gia, cô dâu chú rể thề nguyện sẽ chung thủy ngay cả khi sang thế giới bên kia.

Đền thần

Lễ cưới được tổ chức tại đền thần được gọi là “Shinzenshiki” (nghĩa là: “lễ trước bàn thờ Thần linh”).

Shinzenshiki dựa trên tư tưởng của Thần đạo rằng “hôn nhân là sự kết nối gia đình của cô dâu và chú rể”.

Ở đền thần mà tổ tiên gắn bó hoặc trước bàn thờ Thần linh tại gia, lễ cưới sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của thầy tu Thần đạo và thiếu nữ đền thần.

Số lượng

Theo khảo sát của Cục Văn hóa (một cơ quan chính phủ liên quan đến việc quảng bá văn hóa Nhật Bản), có khoảng 77.000 ngôi chùa và khoảng 80.000 đền thần ở Nhật Bản (tính đến năm 2021). Có thể thấy rằng đền thần nhiều hơn khoảng 3.000 ngôi.

Có tổng cộng 47 tỉnh ở Nhật Bản, không ngoa khi nói rằng mỗi tỉnh đều có chùa và đền thần. Thậm chí ở một số thành phố, rất nhiều chùa và đền thần cùng tồn tại.

*Nguồn tham khảo: Khảo sát Thống kê Tôn giáo 2021 (Bản tiếng Nhật)

Lời kết

Vậy là bạn đã hiểu được sự khác biệt giữa chùa và đền thần rồi đúng không?
Trên thực tế, có rất ít người Nhật có thể giải thích chính xác sự khác biệt giữa chùa và đền thần. Nếu bạn giải thích những nội dung trong bài viết này cho người Nhật, chắc chắn họ sẽ rất ngạc nhiên.

Chùa và đền thần của Nhật Bản có thể mang ấn tượng giống nhau, nhưng chúng là những cơ sở tôn giáo với những vai trò khác nhau.Điểm khác biệt lớn nhất đó là tôn giáo và đối tượng tín ngưỡng là khác nhau.Ngoài ra, còn có sự khác biệt về cách gọi, kiến trúc, cách bái lạy, cách tổ chức lễ cưới và số lượng hiện có.

Nếu bạn có cơ hội đến thăm chùa và đền thần của Nhật Bản, hãy nhớ lại những điểm khác biệt này khi tham quan nhé.

Comment

There are no comment yet.

RELATED

PAGE TOP