Nhật Bản có rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn. Trong số đó, đền thần là nơi bạn nhất định phải ghé thăm vì đền thần không chỉ là cơ sở tôn giáo bản địa của Nhật Bản, mà còn là nơi giúp bạn cảm nhận được văn hóa lâu đời và tốt đẹp của Nhật Bản.
Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu các đặc điểm của đền thần Nhật Bản. Đọc qua chắc chắn bạn sẽ hiểu rõ hơn về đền thần. Ngoài ra, tôi cũng sẽ gợi ý những ngôi đền nổi tiếng phù hợp để tham quan tại Nhật Bản.
Rất nhiều thông tin hữu ích cho việc viếng thăm các đền thần Nhật Bản có trong bài viết này, vì vậy hãy đọc đến cuối nhé.
- Đặc điểm của đền thần Nhật Bản
- Những vị thần được tôn thờ trong các đền thần Nhật Bản
- Đền thần có ý nghĩa như thế nào đối với người Nhật?
- Kiến trúc của đền thần Nhật Bản
- Các loại đền thần Nhật Bản
- Người Nhật làm gì ở đền thần?
- TOP 10 đền thần tại Nhật Bản
- Gợi ý số 1: Đền Ise Jingū (伊勢神宮)/ Thành phố Ise, tỉnh Mie
- Gợi ý số 2: Đền Fushimi Inari Taisha (伏見稲荷大社)/ Thành phố Kyōto, tỉnh Kyōto
- Gợi ý số 3: Đền Nikkō Tōshōgū (日光東照宮)/ Thành phố Nikkō, tỉnh Tochigi
- Gợi ý số 4: Đền Meiji Jingū (明治神宮)/ Quận Shibuya, thủ đô Tōkyō
- Gợi ý số 5: Đền Itsukushima (厳島神社)/ Thành phố Hatsukaichi, tỉnh Hiroshima
- Gợi ý số 6: Đền Izumo Taisha (出雲大社)/ Thành phố Izumo, tỉnh Shimane
- Gợi ý số 7: Đền Tsurugaoka Hachimangū (鶴岡八幡宮)/ Thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa
- Gợi ý số 8: Đền Dazaifu Tenmangū (太宰府天満宮)/ Thành phố Dazaifu, tỉnh Fukuoka
- Gợi ý số 9: Đền Kasuga Taisha (春日大社)/ Thành phố Nara, tỉnh Nara
- Gợi ý số 10: Đền Tōkyō Daijingū (東京大神宮)/ Quận Chiyoda, thủ đô Tōkyō
- Lời kết
Đặc điểm của đền thần Nhật Bản
Đền thần Nhật Bản là cơ sở tổ chức nghi lễ của Thần đạo, một tôn giáo bản địa của Nhật Bản. Những vị thần được tín ngưỡng trong Thần đạo sẽ được thờ phụng tại các đền thần.
Thần đạo là tôn giáo mà người Nhật cổ xưa tạo ra từ cuộc sống hàng ngày của họ.
Từ ngày xưa, thông qua những công việc như trồng lúa và đánh cá, người Nhật đã sống gần gũi với thiên nhiên.
Người thời đó tin rằng: “Thiên nhiên có khả năng ban phước lành cho con người. Sở dĩ thiên nhiên có năng lực đó là vì có các vị thần tồn tại trong tự nhiên.”
Trong Thần đạo, các vị thần được cho là trú ngụ trong mọi thứ, bao gồm mặt trời, mây, biển, núi, sông, động vật và thực vật…
Tất cả các vị thần này được gọi chung là “Yaoyorozu no Kami” (八百万の神) và đều được tín ngưỡng trong Thần đạo.
“Yaoyorozu no Kami” không phải là tên gọi của một vị thần cụ thể, mà nó có nghĩa là “vô số vị thần” hay “vạn vật đều có thần”.
Về sau, không chỉ các vị thần trú ngụ trong tự nhiên, Thần đạo bắt đầu thờ phụng cả những người đã đạt được những thành tựu to lớn và có cống hiến cho xã hội. Những người đó cũng được coi như những vị thần trong Thần đạo.
Như vậy, đền thần là nơi tôn thờ các vị thần được tín ngưỡng trong Thần đạo.
Những vị thần được tôn thờ trong các đền thần Nhật Bản
Được thờ trong các đền thần Nhật Bản thường là linh hồn của các vị thần, nhưng không phải trọn vẹn mà chỉ một phần của linh hồn. Vì vậy sẽ có trường hợp cùng một vị thần nhưng sẽ được thờ ở nhiều đền thần khác nhau.
Sau đây là những vị thần được thờ ở các đền thần.
Thần tự nhiên
Các vị thần được cho là trú ngụ trong tự nhiên, như núi, rừng, biển và gió… được thờ phụng tại các đền thần.
Ví dụ, trong Thần đạo, người ta tin rằng nữ thần Amaterasu Ōmikami trú ngụ trong mặt trời. Vì thần Amaterasu Ōmikami là vị thần tối cao trong Thần đạo nên bà được thờ ở Ise Jingū, ngôi đền có cấp bậc cao nhất ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, vì các đền thần thường thờ một phần linh hồn của các vị thần nên nếu lấy nữ thần Amaterasu Ōmikami làm ví dụ thì vị thần này cũng được thờ ở đền Tōkyō Daijingū.
Linh hồn của thành viên Hoàng gia Nhật Bản
Một số đền thần cũng thờ linh hồn của thành viên Hoàng gia Nhật Bản (như Thiên hoàng, gia đình Hoàng gia và những người có liên quan đến Thiên hoàng).
Vì tổ tiên của Hoàng gia Nhật Bản được cho là nữ thần mặt trời Amaterasu Ōmikami kể trên, nên thành viên của Hoàng gia cũng được thờ trong các đền thần như những vị thần.
Linh hồn của người có công
Trong Thần đạo, những người có cống hiến lớn lao cho xã hội rất được tôn kính và được cho là sẽ trở thành thần thánh sau khi chết. Vì vậy, ở Nhật cũng có những ngôi đền thờ linh hồn của những người đã có công lớn.
Ví dụ như Sugawara no Michizane (菅原道真), một học giả thời Heian (794~1185), được tôn thờ là “thần học tập” và được thờ phụng tại đền Dazaifu Tenmangū (tỉnh Fukuoka).
Cũng giống như các vị thần tự nhiên, cùng là một nhân vật những đôi khi sẽ được thờ ở nhiều đền thần. Trường hợp của học giả Sugawara no Michizane, ông được thờ đồng thời ở đền Dazaifu Tenmangū, đền Kitano Tenmangū (tỉnh Kyōto) và đền Hōfu Tenmangū (tỉnh Yamaguchi).
Đền thần có ý nghĩa như thế nào đối với người Nhật?
Đối với người Nhật, đền thần là “nơi bạn có thể gửi những điều ước của mình đến các vị thần”.
Nhiều người Nhật Bản ngày nay đến đền thần không phải vì họ tin vào Thần đạo, mà họ đến để gửi gắm những ước nguyện của mình đến các vị thần được thờ ở đó và cầu mong ước mơ thành sự thật.
Vì đền thần là nơi thờ phụng linh hồn của những vị thần tự nhiên hay những người đã được những thành tựu to lớn nên người ta tin rằng những vị thần này có quyền năng hiện thực hóa ước mơ.
Ví dụ như đền Dazaifu Tenmangū kể trên, do đền này thờ “thần học tập” Sugawara no Michizane nên những bạn học sinh sinh viên sắp đến kì thi thường ghé để cầu mong đỗ đạt.
“Xin cho con thi đỗ vào Đại học Tōkyō.”
Hàng năm, rất nhiều sinh viên đến đền Dazaifu Tenmangū và cầu nguyện như vậy.
Vì các vị thần được thờ ở mỗi ngôi đền là khác nhau nên tùy vào điều ước mà người Nhật sẽ đến những ngôi đền khác nhau. Nếu với “thần học tập” mà bạn cầu nguyện “mau tìm được người yêu ưng ý” thì có vẻ sẽ là một yêu cầu khá khó khăn đấy.
Kiến trúc của đền thần Nhật Bản
Đền thần Nhật Bản thường có kiến trúc như sau.
Cổng Torii (鳥居)
Cánh cổng ở lối vào của một ngôi đền.
Nó có vai trò ngăn cách giữa khu vực linh thiêng nơi các vị thần trú ngụ và thế giới thực tại.
Tượng đá Komainu (狛犬)
Bức tượng giống sư tử được đặt ở lối vào của một ngôi đền.
Komainu đóng vai trò bảo vệ ngôi đền.
Chính điện Honden (本殿)
Nơi thờ phụng các vị thần. Tùy nơi mà có khi còn được gọi là Shinden (神殿) hay Shaden (社殿).
Chính điện thường được trang trí bằng một sợi dây thừng (gọi là “Shimenawa”) mang ý nghĩa ngăn cách giữa khu vực linh thiêng và thế giới thực tại.
Khu vực cúng bái Haiden (拝殿)
Là nơi để du khách cúng bái.
Một số đền thần còn có khu vực Heiden (幣殿) – nơi đặt lễ vật cho các vị thần.
Các loại đền thần Nhật Bản
Trên thực tế, đền thần có thể được chia thành 5 loại tùy theo các vị thần được thờ phụng hay quy mô của chúng.
Đọc qua phần này bạn sẽ có thể nhận biết đền thần mà bạn ghé thăm thuộc loại nào, hãy xem qua nhé.
Jingū (神宮)
Ở Jingū thường thờ các vị thần sau:
- Nữ thần Amaterasu Ōmikami (天照大御神)
Là nữ thần Mặt trời ban cho mọi điều ước, cũng là vị thần tối cao trong tất cả các vị thần ở Nhật. Thiên hoàng Jinmu (神武) – Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản, được cho là hậu duệ của nữ thần Amaterasu Ōmikami. - Nữ thần Toyouke no Ōkami (豊受大神)
Là nữ thần thực phẩm và ngũ cốc, được cho là người phụ trách các bữa ăn của nữ thần Amaterasu Ōmikami. Đây là vị thần ban sự dồi dào về thức ăn, quần áo và nơi ở. - Thiên hoàng và gia đình (cha mẹ, vợ…)
Do có mối liên hệ sâu sắc với Thiên hoàng nên Jingū được xem là cấp bậc cao nhất trong các loại đền thần tại Nhật Bản.
Gū (宮)
Gū là nơi thờ những người liên quan đến Hoàng gia Nhật Bản. Gū là loại đền thần có cấp bậc cao thứ 2 sau Jingū.
Daijingū (大神宮)
Daijingū là nơi thờ phụng một phần linh hồn của các vị thần được thờ ở Jingū. Có thể hiểu đơn giản nó là một ngôi đền chi nhánh của Jingū.
Taisha (大社)
Taisha là trụ sở chính của tất cả các đền thần mà không phải là Jingū, Gū hay Daijingū. Ở Taisha thờ Thần linh nguyên bản.
Yashiro (社)
Yashiro dùng để chỉ những đền thần quy mô nhỏ. Ở Yashiro thường thờ một phần linh hồn của các vị thần.
Người Nhật làm gì ở đền thần?
Có 7 điều mà người Nhật thường làm tại các đền thần.
Cúng bái
Người Nhật viếng thăm một ngôi đền để cúng bái vị thần được thờ tại đó.
Họ bày tỏ sự kính trọng và cầu nguyện với thần linh.
Cúng bái là mục đích phổ biến nhất khiến người Nhật đến đền thần.Có thể thấy họ thường cầu nguyện 2 điều sau.
Cầu nguyện cho bản thân
Đầu tiên là cầu nguyện cho bản thân.
Khi có một điều ước, người Nhật thường đến đền thần để gửi gắm điều ước đó đến thần linh và cầu mong ước mơ thành sự thật.
Ví dụ, một sinh viên sắp đến kì thi thường cầu nguyện: “Xin cho con có thể thi đỗ vào đại học XYZ”.
Tỏ lòng biết ơn đến các vị thần
Người Nhật cũng thường đến đền thần để tỏ lòng biết ơn đến các vị thần.
Ví dụ, sau khi điều ước đỗ đại học của một người đã thành hiện thực, người đó sẽ lại đến thăm đền thần và nói: “Cảm ơn vì đã phù hộ cho con thi đỗ vào trường đại học XYZ.”
Cách bái lạy cơ bản
Có những quy tắc về cách bái lạy ở đền thần. Cơ bản như sau:
1. Đứng thẳng người, hướng về điện thờ và cúi đầu thật sâu 2 lần.
2. Chắp 2 tay trước ngực, vỗ 2 lần.
3. Chắp tay cầu nguyện.
4. Cúi đầu thật sâu một lần nữa.
Trên đây là cách bái lạy phổ biến nhất, tuy nhiên cũng có một số đền thần có cách bái lạy riêng.
Trong trường hợp đó, cách bái lạy sẽ được ghi chi tiết ở bảng hướng dẫn nên bạn hãy kiểm tra trước khi bái lạy nhé.
Viết thẻ cầu nguyện Ema
Ema (絵馬) là một tấm thẻ gỗ trên đó bạn viết những điều ước của mình. Những thẻ Ema sau khi được viết điều ước sẽ được để lại đền thần.
Hình ảnh con ngựa thường được vẽ trên thẻ Ema. Điều này là do người Nhật xưa kia tin rằng “vị thần giúp thực hiện điều ước sẽ cưỡi ngựa để đến thế giới của con người”.
Người Nhật sẽ viết lên thẻ Ema điều mà họ mong ước nhất và để lại thẻ Ema ở đền thần.Điều ước được viết nhiều nhất trên thẻ Ema là xin đỗ đạt trong thi cử.
Thẻ Ema thường được treo ở nơi dễ thấy nên khi đến đền thần bạn có thể dễ dàng nhìn thấy thẻ Ema do người khác viết. Nếu có cơ hội, bạn cũng thử nhìn qua thẻ Ema do người Nhật viết nhé.
Nơi bán thẻ Ema
Thẻ Ema thường được bán ở gần khu vực cúng bái. Giá dao động từ 500 yên ~ 1.000 yên.
Phụ trách quầy bán là các thiếu nữ đền thần nên bạn có thể lấy đó làm dấu hiệu nhận biết.
Cách viết thẻ Ema
Hãy viết điều ước vào mặt sau (mặt không có hình) của thẻ.Điều ước được viết càng chi tiết thì được cho là càng linh nghiệm nên tốt nhất bạn hãy viết thật rõ ràng.
Cách để lại thẻ Ema ở đền thần
Thẻ Ema có thể để lại đền thần bằng cách treo ở khu vực được chỉ định.
Thẻ Ema được người Nhật viết rất nhiều nên bạn có thể biết nơi để treo chúng trong nháy mắt. Hãy tìm và treo thẻ Ema của bạn ở nơi có nhiều thẻ Ema khác cũng được treo nhé.
Nhờ thực hiện lễ cầu khấn
Lễ cầu khấn là một buổi lễ mà ở đó Kannushi (thầy tu Thần đạo) sẽ thay mặt bạn cầu nguyện các vị thần để ước mơ thành hiện thực. Lễ này thường được tổ chức ở chính điện Honden.
Bạn cần trả một khoản phí cho đền thần tùy theo nội dung cầu nguyện, và Kannushi sẽ thực hiện lễ cầu khấn dựa theo nội dung đó.
Vào dịp đầu năm, nhiều người Nhật thường nhờ làm lễ cầu khấn cho gia đình một năm bình an, mạnh khỏe. Lễ cầu khấn này được gọi là “Kanai Anzen” (家内安全).
Do chủ trì buổi lễ là thầy tu Kannushi – người được cho là gần gũi với các vị thần, nên người Nhật tin rằng ước mong của họ sẽ nhanh chóng thành hiện thực.
Bạn có thể nhờ thực hiện lễ cầu khấn tại quầy “Gokitō Uketsuke” (御祈祷受付).
Chi phí cho một buổi lễ cầu khấn tại đền thần sẽ khác nhau tùy theo nội dung cầu nguyện, thường dao động từ 3.000 yên ~ 10.000 yên.
Rút quẻ bói Omikuji
Omikuji là một quẻ bói bằng giấy giúp bạn kiểm tra vận may của mình ở thời điểm đó.
Có rất nhiều tờ Omikuji bên trong một hộp hình trụ, bằng cách rút một tờ bạn có thể biết được vận may của mình.
Người Nhật thích biết vận mệnh hiện tại của mình như thế nào nên cứ đến đền thần là y như rằng họ sẽ rút quẻ bói Omikuji.
Chỉ mất khoảng 100 yên cho một lần rút Omikuji nên bạn có thể thử như chơi game vậy.
Cách rút quẻ bói Omikuji
Thông thường sẽ có một chiếc hộp hình trụ có in chữ “おみくじ” (Omikuji), dưới đáy hộp có đục một lỗ.
Cầm hộp sao cho mặt có đục lỗ hướng xuống, lắc nhẹ để cuộn giấy bên trong rơi ra. Cuộn giấy này chính là quẻ bói Omikuji.
Nội dung được viết trên quẻ bói Omikuji
Quẻ bói Omikuji ở đền thần thường được viết những điều sau:
- Vận may tổng thể
Có 7 mức độ may mắn, đó là Daikichi (大吉), Kichi (吉), Chūkichi (中吉), Shōkichi (小吉), Suekichi (末吉), Kyō (凶) và Daikyō (大凶).
Trong đó Daikichi là may mắn nhất, càng về phía Daikyō thì vận may càng giảm. - Vận may cho từng sự kiện
Vận may trong đường tình duyên, học vấn, công việc hay sẽ gặp được người quan trọng. - Thơ Waka
Một loại thơ cổ điển của Nhật Bản. Những dòng thơ Waka được ghi trong quẻ bói Omikuji được cho là lời tiên tri từ các vị thần.
Người Nhật làm gì sau khi rút quẻ bói Omikuji?
Một số người Nhật sẽ mang quẻ bói Omikuji mà họ đã rút về nhà, cũng có người sẽ treo chúng vào cây trong đền thần.
Hầu hết quẻ bói Omikuji được treo vào cây là những quẻ Daikyō.
Daikyō là những quẻ bói xui xẻo nhất, nên người Nhật sẽ buộc chúng vào cây để ngăn vận rủi.
Nếu bạn rút phải một quẻ bói Omikuji không tốt và do dự không biết có nên mang về nhà không thì hãy buộc nó vào cây ở đền thần nhé.
Mua bùa Omamori
Omamori là một lá bùa may mắn được các vị thần trú ngụ.
Người Nhật rất thích bùa Omamori.Nhiều người Nhật tin rằng những lá bùa Omamori có các vị thần ngự trị sẽ mang lại sức mạnh nên họ mua chúng để có thêm chỗ dựa tinh thần.
Có rất nhiều loại bùa Omamori khác nhau tùy theo điều mà bạn mong ước.
Sau đây là một số loại bùa Omamori và cách mà người Nhật sử dụng chúng.
- Bùa cầu duyên (良縁成就のお守り, Ryōen Jōju no Omamori)
Dành cho những ai muốn gặp duyên lành trong công việc hoặc cuộc sống cá nhân. Bùa thường được người Nhật để trong túi xách. - Bùa cầu đỗ đạt (合格祈願のお守り, Gōkaku Kigan no Omamori)
Dành cho những ai sắp thi cử. Bùa thường được người Nhật để trong túi xách. - Bùa cầu cho sinh nở an toàn (安産祈願のお守り, Anzan Kigan no Omamori)
Dành cho những ai sắp sinh. Bùa thường được người Nhật để trong túi xách.
Ngoài ra, người Nhật cũng tặng bùa Omamori cho những người thân thiết như một món quà. Ví dụ như tặng một người quen sắp thi cử một lá bùa cầu đỗ đạt chẳng hạn.
Một lá bùa Omamori có giá khoảng 500 yên ~ 800 yên.
Bạn có thể mua bùa Omamori cho bản thân khi đang có một điều ước và muốn nhận thêm sức mạnh của thần linh để biến ước mơ thành sự thật, hay có thể mua tặng một người thân thiết sắp đón một cột mốc quan trọng trong cuộc đời.
Tổ chức lễ hội
Lễ hội (Omatsuri) được tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần được thờ phụng tại các đền thần.
Tại lễ hội, người ta kéo các điện thờ di động Mikoshi, các cỗ xe Dashi hay các cỗ xe chở những chiếc trống lớn Taikodai và diễu hành khắp đường phố.
Điện thờ di động Mikoshi của mỗi ngôi đền được trang hoàng rất lộng lẫy, thêm phần cứ dịp lễ hội là lại có những quầy ẩm thực Yatai vô cùng nhộn nhịp nên nhiều người Nhật rất thích tham gia lễ hội.
Các lễ hội của Nhật Bản thường được tổ chức vào mùa hè. Nếu bạn có dịp đến Nhật vào mùa hè thì hãy tham gia thử một lễ hội nhé.
Các lễ hội nổi bật tại Nhật Bản được giới thiệu chi tiết trong bài viết “(Gợi ý cho du khách nước ngoài) TOP 20 lễ hội Nhật Bản”. Nếu có quan tâm thì bạn hãy đọc qua nhé.
Tổ chức lễ cưới
Lễ cưới cũng được tổ chức tại đền thần. Nó được gọi là “Shinzenshiki”, nghĩa là: “lễ trước bàn thờ Thần linh”, vì lời thề trong hôn lễ được thực hiện trước vị thần được thờ trong đền thần.
Lễ cưới tại đền thần là phong cách lễ cưới độc đáo chỉ có ở Nhật Bản.
Theo truyền thống, lễ cưới của người Nhật được tổ chức trước bàn thờ thần linh đặt ở nhà chú rể. Lễ cưới bắt đầu được tổ chức tại các đền thần khi Thiên hoàng Taishō (1879~1926) tổ chức hôn lễ tại đền thần.
Sau đó, với sự phát triển của văn hóa phương Tây, nhiều người Nhật Bản bắt đầu tổ chức lễ cưới theo phong cách phương Tây nhưng vẫn có một số cặp đôi tổ chức lễ cưới theo phong cách Shinzenshiki.
Người Nhật thường tổ chức lễ cưới tại đền thần khi:
- Cặp đôi muốn tổ chức một lễ cưới thuần Nhật
- Gia đình cô dâu hoặc chú rể (hoặc cả 2) coi trọng lễ cưới truyền thống của Nhật Bản qua nhiều thế hệ
Khách du lịch cũng có thể xem lễ cưới khi tham quan đền thần.
Đặc biệt phải kể đến đền Meiji Jingū thuộc thủ đô Tōkyō, nơi rất được người Nhật ưa chuộng để tổ chức lễ cưới. Nếu đi đúng thời điểm có thể bạn sẽ được xem lễ cưới tại đây.
TOP 10 đền thần tại Nhật Bản
Sau đây tôi sẽ giới thiệu TOP 10 đền thần tại Nhật Bản.Không quá lời khi nói rằng đây đều là những ngôi đền mà người Nhật chắc chắn sẽ viếng thăm khi họ ghé qua vùng đó.
Nếu có dịp thì bạn cũng đi thử nhé.
Gợi ý số 1: Đền Ise Jingū (伊勢神宮)/ Thành phố Ise, tỉnh Mie
Đền Ise Jingū là ngôi đền có cấp bậc cao nhất ở Nhật Bản.
Nữ thần mặt trời Amaterasu Ōmikami và nữ thần thực phẩm & ngũ cốc Toyouke no Ōkami được thờ ở đây. Đền Ise Jingū có hai điện thờ là Naigū (đền phía trong) và Gegū (đền phía ngoài). Nữ thần Amaterasu Ōmikami được thờ ở Naigū, còn nữ thần Toyouke no Ōkami được thờ ở Gegū.
Khi được hỏi: “Ngôi đền nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là đền nào?” thì có thể nói hầu hết người Nhật sẽ trả lời là: “Đền Ise Jingū”.
Ở Nhật Bản thời cổ đại, nữ thần Amaterasu Ōmikami được cho là vị thần tối cao có thể thực hiện bất kỳ điều ước nào, vì vậy Ise Jingū là một nơi linh thiêng đặc biệt đối với người Nhật Bản, nơi có thể giúp mọi ước mơ thành hiện thực.
Khi viếng thăm đền Ise Jingū, hãy đến Gegū (đền phía ngoài) trước rồi đến Naigū (đền phía trong) sau.
Người ta nói rằng nếu đi sai lộ trình, bạn sẽ không thể nhận được sức mạnh từ các vị thần, vì vậy hãy cẩn thận.
Địa chỉ:
・Gegū (đền phía ngoài): 279 Toyokawachō, thành phố Ise, tỉnh Mie
・Naigū (đền phía trong): 1 Ujidatechō, thành phố Ise, tỉnh Mie
Cách đi:
・Gegū (đền phía ngoài): Khoảng 5 phút đi bộ từ ga Iseshi (JR tuyến Tokai/ Kinki Tetsudō)
・Naigū (đền phía trong): Khoảng 50 phút đi bộ hoặc khoảng 10 phút đi xe buýt (hoặc taxi) từ Gegū
Homepage (tiếng Nhật): https://www.isejingu.or.jp
Homepage (tiếng Anh): https://www.isejingu.or.jp/en/
Gợi ý số 2: Đền Fushimi Inari Taisha (伏見稲荷大社)/ Thành phố Kyōto, tỉnh Kyōto
Đền Fushimi Inari Taisha là ngôi đền thờ 5 vị thần, trong đó có thần Ukanomitama no Ōkami (宇迦之御魂大神).
Thần Ukanomitama no Ōkami được biết đến là vị thần mang lại mùa màng bội thu.
Vì vậy đối với người Nhật, đền Fushimi Inari Taisha được xem là ngôi đền ban lương thực dồi dào và làm ăn phát đạt. Nơi đây đặc biệt thu hút niềm tin mạnh mẽ của các nhà điều hành doanh nghiệp.
Đền Fushimi Inari Taisha cũng nổi tiếng với kiến trúc “Senbon Torii” (千本鳥居), một dãy gồm khoảng 10.000 cổng Torii được dựng san sát nhau. Vào thời Edo, người ta kính dâng cổng Torii để những điều ước được thông qua, và “Senbon Torii” ra đời từ đó.
Nếu bạn đang điều hành một doanh nghiệp, đang phải lập kế hoạch kinh doanh và mong muốn mọi việc tiến triển thuận lợi thì hãy ghé thăm đền Fushimi Inari Taisha nhé.
Địa chỉ: 68 Fukakusa Yabunouchichō, quận Fushimi, thành phố Kyōto, tỉnh Kyōto
Cách đi: ngay ga Inari (JR tuyến Nara)
Homepage (tiếng Nhật): http://inari.jp
Homepage (tiếng Anh): http://inari.jp/en/
Gợi ý số 3: Đền Nikkō Tōshōgū (日光東照宮)/ Thành phố Nikkō, tỉnh Tochigi
Đền Nikkō Tōshōgū là ngôi đền thờ Tokugawa Ieyasu (徳川家康), vị tướng quân đầu tiên của Mạc phủ Edo (năm 1603~1868, thời kì mà chính quyền võ sĩ đạo cai trị).
Kiến trúc của đền Nikkō Tōshōgū vô cùng lộng lẫy và tráng lệ. Bằng cách quan sát những đồ trang trí tinh xảo và những tác phẩm điêu khắc đẹp mắt, bạn có thể nhận biết được tay nghề của những người thợ thủ công thời bấy giờ. Đền cũng đã được công nhận là Di Sản Thế Giới.
Vị trí của đền được cho là rất linh thiêng vì là nơi chứa đựng linh khí mạnh mẽ của nhiều tu sĩ ngày xưa. Đối với người Nhật, đền Nikkō Tōshōgū là ngôi đền mang lại may mắn trong cạnh tranh hoặc thi đấu.
Đền Nikkō Tōshōgū nằm ở vị trí mà bạn có thể đi về trong ngày từ Tōkyō. Nếu có dịp ghé Tōkyō thì bạn có thể tranh thủ viếng thăm đền nhé.
Địa chỉ: 2301 Yamauchi, thành phố Nikkō, tỉnh Tochigi
Cách đi: Khoảng 2 phút đi bộ từ trạm xe buýt Omotesandō (xe buýt Tōbu)
Homepage (tiếng Nhật): https://www.toshogu.jp/
Gợi ý số 4: Đền Meiji Jingū (明治神宮)/ Quận Shibuya, thủ đô Tōkyō
Đền Meiji Jingū là nơi thờ Thiên hoàng Meiji (明治天皇, 1852~1912) và vợ của ông, Hoàng hậu Shōken (昭憲皇太后, 1184~1914).
Nếu bạn hỏi người Nhật: “Đền thần nào nổi tiếng nhất ở Tokyo?” thì chắc chắn đa số sẽ trả lời là: “Đền Meiji Jingū”.
Đền Meiji Jingū là nơi có số lượng du khách tham gia Hatsumōde (chuyến viếng thăm đền thần lần đầu tiên sau năm mới) cao nhất ở Nhật Bản hàng năm, và cũng là ngôi đền được ưa chuộng để tổ chức lễ cưới.
Lý do là vì Thiên hoàng Meiji và Hoàng hậu Shōken lúc sinh thời có mối quan hệ rất tốt đẹp nên người ta cho rằng nếu đến thăm đền vào dịp năm mới hay tổ chức lễ cưới ở đền sẽ nhận được may mắn và có một cuộc sống tốt đẹp.
Nếu bạn muốn gặp được người ưng ý hoặc muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hãy ghé thăm đền Meiji Jingū nhé.
Địa chỉ: 1-1 Yoyogi Kamizonochō, quận Shibuya, thủ đô Tōkyō
Cách đi: Khoảng 1 phút đi bộ từ ga Meiji-jingūmae Harajuku (JR tuyến Yamanote/ Tōkyō Metro tuyến Chiyoda, tuyến Fukutoshin)
Homepage (tiếng Nhật): https://www.meijijingu.or.jp/
Homepage (tiếng Anh): https://www.meijijingu.or.jp/en/
Gợi ý số 5: Đền Itsukushima (厳島神社)/ Thành phố Hatsukaichi, tỉnh Hiroshima
Đền Itsukushima là ngôi đền thờ thần biển Ichikishimahime no Mikoto (市杵島姫命) và thần an toàn đường biển Tagorihime no Mikoto (田心姫命).
Do thờ những vị thần bảo vệ an toàn cho các hoạt động vận chuyển đường biển nên đền Itsukushima là nơi mà ngư dân hay những người làm việc trên biển thường viếng thăm để cầu cho đi lại bình an. Nó cũng được biết đến là ngôi đền bảo vệ an toàn giao thông trên đất liền nên rất nhiều người Nhật thường mua bùa an toàn giao thông ở đây.
Đây cũng là ngôi đền hiếm hoi được xây dựng ở nơi thủy triều lên xuống. Cảnh tượng đền Itsukushima dường như đang nổi trên mặt biển vào lúc thủy triều lên thực sự là một khung cảnh vô cùng huyền bí.
Đền Itsukushima đã được đăng ký là Di Sản Thế Giới, là địa điểm không thể bỏ qua khi bạn đến thăm Hiroshima.
Địa chỉ: 1-1 Miyajimachō, thành phố Hatsukaichi, tỉnh Hiroshima
Cách đi:
1. Đi tàu từ ga Miyajimaguchi (JR West Japan) hoặc ga Hiroden-miyajima-guchi (Hiroshima Electric Railway) đến Miyajimaguchi Sanbashi
2. Đi phà khoảng 10 phút từ bến tàu Miyajimaguchi Sanbashi
3. Xuống phà ở Miyajima Sanbashi và đi bộ khoảng 15 phút
Homepage (tiếng Nhật): http://www.itsukushimajinja.jp/index.html
Homepage (tiếng Anh): http://www.en.itsukushimajinja.jp/index.html
Gợi ý số 6: Đền Izumo Taisha (出雲大社)/ Thành phố Izumo, tỉnh Shimane
Đền Izumo Taisha là ngôi đền thờ thần Ōkuninushi no Mikoto (大国主命).
Vì những lý do sau, đền Izumo Taisha được xem là một ngôi đền ban duyên lành đối với người Nhật.
- Thần Ōkuninushi no Mikoto là thần ban duyên lành
- Vào tháng 10 hàng năm, sẽ có lễ hội kết nối những người cùng tin vào một vị thần
Đền Izumo Taisha đặc biệt được yêu thích bởi phụ nữ nên bạn sẽ bắt gặp rất nhiều phụ nữ khi đến thăm đền.
Ngoài ra, sân khấu trình diễn những điệu múa và âm nhạc, hay sợi dây thừng linh thiêng dài 13,6 mét, nặng 5,2 tấn ở điện Kaguraden cũng là những điểm không thể bỏ qua.
Không chỉ cầu duyên, nếu bạn muốn cầu mong gặp được người tốt trong công việc thì cũng có thể ghé thăm đền Izumo Taisha nhé.
Địa chỉ: 195 Kizukihigashi, Taishachō, thành phố Izumo, tỉnh Shimane
Cách đi: Ngay trạm xe buýt Izumo Taisha (xe buýt Ichibata)
Homepage (tiếng Nhật): https://izumooyashiro.or.jp
Gợi ý số 7: Đền Tsurugaoka Hachimangū (鶴岡八幡宮)/ Thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa
Đền Tsurugaoka Hachimangū là ngôi đền thờ Thiên hoàng Ōjin (201~310), mẹ của ông – Hoàng hậu Jingū (169~269) và Hime no Kami (cách gọi chung chỉ các nữ thần có quan hệ mật thiết với các vị thần chính của đền).
Thiên hoàng Ōjin được cho là bậc thầy về bắn cung, và được biết đến như một nhân vật được nhiều võ sĩ tôn thờ là “vị thần của lòng dũng cảm” trong thời kỳ Kamakura (1185~1333), thời kì mà văn hóa võ sĩ đạo phát triển.
Đối với người Nhật, đền Tsurugaoka Hachimangū được xem là ngôi đền ban may mắn trong cạnh tranh và thành đạt trong cuộc sống.
Nếu bạn đang nỗ lực trong học tập hay công việc và mong muốn thành danh thì hãy ghé thăm đền Tsurugaoka Hachimangū để tiếp thêm sức mạnh nhé.
Địa chỉ: 2-1-31 Yukinoshita, thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa
Cách đi: 10 phút đi bộ từ ga Kamakura (JR tuyến Yokosuka, tuyến Shōnan Shinjuku)
Homepage (tiếng Nhật): https://www.hachimangu.or.jp/
Homepage (tiếng Anh): https://www.hachimangu.or.jp/en/
Gợi ý số 8: Đền Dazaifu Tenmangū (太宰府天満宮)/ Thành phố Dazaifu, tỉnh Fukuoka
Đền Dazaifu Tenmangū là ngôi đền thờ Sugawara no Michizane (菅原道真), một học giả hoạt động trong thời Heian.
Sugawara no Michizane được tôn thờ là “thần học tập” vì chăm chỉ học hành từ nhỏ và thành đạt trong sự nghiệp. Vì lý do này, nhiều người Nhật đến thăm đền Dazaifu Tenmangū để cầu mong đỗ đạt và thành tích học tập tốt.
Nếu bạn sắp có một kỳ thi quan trọng hoặc đang tập trung học hành để đạt được điều gì đó thì hãy ghé thăm đền Dazaifu Tenmangū để nhận thêm sức mạnh từ “thần học tập” nhé.
Địa chỉ: 4-7-1 Saifu, thành phố Dazaifu, tỉnh Fukuoka
Cách đi: Khoảng 5 phút đi bộ từ ga Dazaifu (tàu Nishitetsu)
Homepage (tiếng Nhật): https://sp.dazaifutenmangu.or.jp
Homepage (tiếng Anh): https://sp.dazaifutenmangu.or.jp/en/
Gợi ý số 9: Đền Kasuga Taisha (春日大社)/ Thành phố Nara, tỉnh Nara
Đền Kasuga Taisha là ngôi đền thờ Takemikazuchi no Mikoto (武甕槌命) – vị thần trấn áp động đất và Futsunushi no Mikoto (経津主命) – vị thần võ thuật. Đền Kasuga Taisha đã được công nhận là Di Sản Thế Giới.
Nó cũng được biết đến như một điểm tựa tinh thần đối với phụ nữ Nhật trong đường tình duyên hay mối quan hệ vợ chồng.Đó là vì bên trong đền Kasuga Taisha có một ngôi đền gọi là Meoto Daikokusha (夫婦大國社), nơi thờ thần tình duyên Ōkuninushi no Mikoto (大国主命) và vợ của ông là Suseribime no Mikoto (須勢理毘売命).
Nếu bạn muốn sống lâu sống khỏe, hoặc muốn tình duyên hạnh phúc thì hãy đến thăm đền Kasuga Taisha nhé.
Địa chỉ: 160 Kasuganochō, thành phố Nara, tỉnh Nara
Cách đi: Ngay trạm xe buýt Kasuga Taisha Honden (xe buýt Nara Kōtsū)
Homepage (tiếng Nhật): https://www.kasugataisha.or.jp
Homepage (tiếng Anh): https://www.kasugataisha.or.jp/en/about_en/
Gợi ý số 10: Đền Tōkyō Daijingū (東京大神宮)/ Quận Chiyoda, thủ đô Tōkyō
Đền Tōkyō Daijingū là ngôi đền chủ yếu thờ nữ thần mặt trời Amaterasu Ōmikami và nữ thần thực phẩm & ngũ cốc Toyouke no Ōkami.
Đền được xây dựng như một đền thờ từ xa của đền Ise Jingū ở thành phố Ise, tỉnh Mie.
Từ thời cổ đại, đền Ise Jingū đã là ngôi đền có cấp bậc cao nhất ở Nhật Bản nên rất nhiều người từ khắp nơi ở Nhật Bản đến viếng thăm để nhận được phước lành.
Tuy nhiên, do khoảng cách quá xa nên cũng có nhiều người không thể trực tiếp đến được, và đền Tōkyō Daijingū được xây dựng cho những người như vậy.
Ngoài nữ thần Amaterasu Ōmikami và nữ thần Toyouke no Ōkami, nhiều vị thần khác cũng được thờ tại đây. Đặc biệt, đối với phụ nữ Nhật Bản, đền Tōkyō Daijingū còn được biết đến như một ngôi đền cầu duyên.
Ở đây nổi tiếng với lá bùa cầu duyên hình hoa linh lan, nếu bạn muốn được may mắn trong đường tình duyên thì hãy mua một cái nhé.
Địa chỉ: 2-4-1 Fujimi, quận Chiyoda, thủ đô Tōkyō
Cách đi: Khoảng 5 phút đi bộ từ ga Iidabashi (JR tuyến Chūō-Sōbu/ Tōkyō Metro tuyến Yurakuchō, tuyến Namboku, tuyến Tōzai/ tuyến Toei Ōedo)
Homepage (tiếng Nhật): http://www.tokyodaijingu.or.jp/
Homepage (tiếng Anh): http://www.tokyodaijingu.or.jp/english/index.html
Lời kết
Các đền thần Nhật Bản là cơ sở tổ chức các nghi lễ Thần đạo và thờ các vị thần đã được tôn thờ ở Nhật Bản từ thời cổ đại.
Nhiều người Nhật đến đền thần cầu cho ước nguyện của họ trở thành sự thật cũng như để được tiếp thêm sức mạnh từ các vị thần. Đối với người Nhật, đền thần là một điểm tựa tinh thần.
Nếu có một điều ước hoặc có điều gì đó mà bạn mong muốn đạt được, đền thần Nhật Bản là nơi có thể tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Nếu có ngôi đền nào khiến bạn quan tâm, hãy đến thăm nó nhé.
Comment